Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỳ 5)

Đăng lúc: 10:00:00 20/07/2019 (GMT+7)

bac-ho-voi-thanh-nien-1.jpg
12. Chính Người – Bác Hồ đã giúp chúng tôi mở đường đi đến ánh sáng

Tôi được tin người đã mất. Tin đó đến với tôi thật bất ngờ. Sao cái chết của Người lại đến đúng vào lúc không ai có thể ngờ được đó! Cuộc đời của Người đã bất diệt cơ mà! Ngày đầu tiên trong cuộc đời của Người là ngày Người cùng với các đồng chí của mình lập nên Đảng Cộng sản Pháp ở Paris. Ý nghĩa ngày đó đối với cuộc đời của Người là ở chỗ Người đã bắt đầu mang lại một ánh sáng mới cho nhân loại đau thương. Vào ngày mà Người cùng các đồng chí Việt Nam của mình gieo những hạt giống đầu tiên trong cuộc đấu tranh của nhân dân đất nước Người, đó là ngày bình minh đã xuất hiện ở Châu Á. Với ánh bình minh ấy, các trẻ em Việt Nam đang quằn quại đau thương dưới gót giày của chủ nghĩa đế quốc thế giới, cảm thấy thế giới mới của mình đã tạo nên một con người, đó là Hồ Chí Minh. Và các em bé Việt Nam, sống dưới bom đạn của bọn xâm lược ấy đã gọi Người là Bác Hồ. Người không những là Bác, là cha của thiếu nhi Việt Nam, mà Người còn là Bác, là cha của thiếu nhi toàn thế giới, đặc biệt là thiếu nhi Arab chúng tôi.

Thiếu nhi Yemen của chúng tôi cũng như thiếu nhi trên bán đảo Arab và ở nhiều vùng rộng lớn trong Tổ quốc Arab chúng tôi còn quằn quại đau thương dưới gót giày của bọn đế quốc và bọn phản động. Chúng ngăn cản ánh bình minh đến với các em, chúng không cho chúng tôi đem lại ánh sáng cho các em.

Chính Người, Bác Hồ đã đóng hàng nghìn mũi đinh vào cái quan tài của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở trên đất nước Việt Nam. Chính Người đã giúp chúng tôi mở đường đi đến ánh sáng, để cho những đôi mắt của trẻ em chúng tôi trở nên trong sáng và đáng yêu, để cho trẻ em chúng tôi được tới trường học và để thay thế những bãi rác kia bằng những vườn hoa.

Chính Người, Bác Hồ đã đóng hàng triệu mũi đinh lên chiếc quan tài của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở trên đất nước Việt Nam và giúp cho chúng tôi tìm thấy con đường giải phóng khỏi ách gông cùm cho những con người trên bán đảo Arab, để cho chúng tôi trở lại làm người và không bị coi khinh bởi những tên man rợ.

Chính Người, Bác Hồ, đã xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới bom đạn của đế quốc Mỹ và dạy cho chúng tôi biết rằng, uy lực và cường bạo không thể lay chuyển nổi ý chí kiên cường của những chiến sỹ cách mạng, không thể ngăn cản bước đi của họ. Người trung thực với chính bản thân mình và cả thế giới. Người đã mang lại ánh sáng của cho nhân dân của Người. Sự nghiệp của Người là sự nghiệp của tất cả các chiến sỹ đang đấu tranh vẻ vang. Người tin tưởng vững chắc rằng: Khối ý chí sắt thép được tạo nên ở trong Đảng sẽ thay đổi được thế giới. Người đã làm như vậy ngay từ ngày đầu cùng với các đồng chí của Người ở Paris và sau đó Người đã làm như vậy cùng với các đồng chí của Người ở Việt Nam.

Cuộc đời của Người sẽ sống mãi!

Người không bao giờ chết cả!

Cái chết của Người sẽ sống mãi!

Cuộc đời và cái chết của Người đã trở lên rạng rỡ!

(Amin1, trích bài đăng trên Báo 14 tháng 10 số ra ngày 07/9/1969.

13. Hồ Chí Minh, ngôi sao trên bầu trời cách mạng

 Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những hình ảnh thân yêu nhất của phong trào cộng sản quốc tế, đồng chí là tượng trưng cho khối đoàn kết của chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên toàn thế giới. Hàng triệu, hàng triệu người từ La Habana tới Mátxcơva đang nghiêng cờ trước người anh hùng đã khuất. Đó là sự thể hiện lòng đau thương của giai cấp công nhân thế giới đối với Người chiến sỹ vĩ đại đã từ trần. Hôm nay, toàn nhân loại đang để tang Người.

… Đồng chí Hồ Chí Minh là tượng trưng cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp nhất của con người và phẩm chất của nhân dân Việt Nam đang đương đầu chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống chiến tranh hóa học, chống tội ác của bọn dã man đang cố gắng một cách vô ích nhằm dập tắt ngôi sao của chủ nghĩa xã hội tại khu vực này của Châu Á, bằng cách giết chóc hàng loạt.

Đồng chí Hồ Chí Minh là tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng vô hạn làm cho Việt Nam trở thành tấm gương đẹp nhất của loài người. Thanh niên, công nhân, trí thức, những anh hùng đã chiến thắng tra tấn và tù đày, tất cả đều công nhận tấm gương sáng ngời đó: Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng ta đã thấy rõ sự kết hợp giữa hai trào lưu cơ bản của cuộc cách mạng trong thời đại chúng ta: Cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng của các dân tộc thuộc địa.

Trong cuộc đấu tranh, chống thực dân Pháp trước kia và xâm lược Mỹ ngày nay, đồng chí Hồ Chí Minh là người lãnh đạo nhân dân Việt Nam, là lãnh tụ của Đảng. Không có gì có thể chiến thắng được Việt Nam, vì chủ nghĩa anh hùng, ý chí kiên cường, vì phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, của những cán bộ được Đảng rèn luyện: Không thắng được Việt Nam vì so sánh lực lượng trên thế giới đã thay đổi, dù bọn đế quốc có dùng tội ác cũng không thể phá vỡ được mắt xích trong phe xã hội chủ nghĩa và đẩy lùi được lịch sử…

Hồ Chí Minh, nhà yêu nước và chiến sỹ quốc tế.

Ngày 19 tháng 5 năm 1969 đồng chí Hồ Chí Minh tròn 79 tuổi. Hơn 50 năm trong đời mình, Người đã hiến dâng cho cuộc đấu tranh cách mạng và đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn đặc tính cơ bản của người cộng sản: Đó là lòng yêu nước và tinh thần quốc tế. Đồng chí Hồ Chí Minh muốn tìm con đường giải phóng dân tộc qua lịch sử đấu tranh của các nước khác. Ở Pháp, Người đã làm việc và tự nuôi sống bằng đồng lương của mình và Người tiếp xúc với những tư tưởng của Lênin. Về sau, Người đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Học thuyết Mác – Lênin đã thấm vào tâm hồn Người. Người đã đi tới chủ nghĩa cộng sản từ khát vọng giải phóng dân tộc.

Đồng chí Hồ Chí Minh đã đi tới chủ nghĩa cộng sản khi Người tìm thấy ở Lênin và Quốc tế Cộng sản những câu trả lời về cuộc cách mạng của các nước thuộc địa, những điều mà đồng chí đã khao khát tìm kiếm.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của một người cộng sản. Người là hiện thân của hình ảnh mà Lênin gọi là “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, Người đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp chung.

Đồng chí Hồ Chí Minh có sự hiểu biết rộng lớn. Người là một cán bộ mẫu mực, bất khuất, có khả năng đấu tranh vì tự do, vì sự vĩ đại của con người, vì niềm tin ở sự tất thắng của cách mạng, cho dù gông cùm có treo trên cổ. Trong nhà tù, Người viết những bài thơ tuyệt đẹp…

Đồng chí Hồ Chí Minh trở thành một nhân vật thần thoại đối với nhân dân về tính khiêm tốn, giản dị, hết sức nhạy cảm về chiến thuật, kiên quyết và trung thành với nguyên lý cách mạng, giàu lòng nhân đạo và trên khuôn mặt Người lúc nào cũng giữ một nụ cười hiền hậu.

Tháng 7 năm 1946, khi Người ở Paris, một nhà báo phương Tây phỏng vấn Người, trong đó có một câu hỏi về thời gian Người bị tù đày. Với nụ cười trên môi, Người trả lời: “Bạn có biết không, thời gian ở tù thì bao giờ cũng dài”. Bị giam cầm cùm xích, Người làm thơ và mỉm cười. Trong nụ cười, người tù đã biểu thị niềm tin vào cách mạng vào cuộc đời.

Chúng tôi gặp đồng chí Hồ Chí Minh tươi cười như vậy, luôn luôn mỉm cười.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lao to lớn, là lãnh tụ quốc tế, tên tuổi của Người được cả thế giới biết đến và kính trọng. Người ta mang chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc đấu tranh… Người ta làm thơ, sáng tác bài hát ca ngợi Người.

Là người Mácxít – Lêninnít có khả năng thuyết phục và trung thành, Người đã áp dụng học thuyết bất diệt của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Khi Người chuẩn bị thành lập Đảng thì ở Việt Nam đã có nhiều trào lưu cách mạng, trào lưu tư sản và tiểu tư sản, trào lưu bắt nguồn từ nông dân… Người đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, của Chủ nghĩa Mác – Lênin và cùng với giai cấp công nhân tiên phong, lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

… Trong những yêu cầu của việc thành lập Đảng, đồng chí Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò Đảng của giai cấp công nhân, Đảng để lãnh đạo cách mạng, đào tạo nên những lãnh tụ của mình và các lãnh tụ đó trở nên vĩ đại trong quá trình sát cánh cùng nhân dân đấu tranh và phục vụ Đảng.

 Đảng mà Người thành lập rất mạnh vì có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng. Nhờ vậy, ngày nay nhân dân Việt Nam trở thành một khối thống nhất đứng lên đấu tranh chống xâm lược. Không có quần chúng thì một nhóm nhỏ táo bạo không thể nào làm cách mạng được. Cách mạng là sự nghiệp chung của quần chúng, nó phải được một chiến lược và chiến thuật thích ứng lãnh đạo, phải thấm nhuần tư tưởng Mácxít- Lêninlít của Đảng, của giai cấp công nhân người rèn luyện lực lượng xã hội của cách mạng.

Hồ Chí Minh, một trong những người con vĩ đại nhất của thời đại và của sự nghiệp chúng ta.

Hôm nay chúng ta làm lễ tưởng niệm một trong những con người vĩ đại nhất của thời đại chúng ta và của sự nghiệp chúng ta.

Chúng ta nghiêng cờ trước một trong những vị anh hùng chân chính nhất, trước một chiến sỹ vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế, của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, trước một nhà Mácxít – Lêninlít, trước một lãnh tụ chân chính của Đảng, một hình ảnh và một tấm gương mẫu mực.

Trong bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” viết nhân ngày vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta từ trần, đồng chí Hồ Chí Minh đã kết luận như sau:

“Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.

Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay là ngôi sao trên bầu trời của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, đang chỉ đường cho chúng ta bằng ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong sự nghiệp của tất cả chúng ta, nhất định Người sẽ sống mãi.

(R.Arixmendi3, trích bài đăng trên tạp chí Extuđiốt, tháng 9 năm 1969)

14. Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập Mỹ

Các nhà sử học Mỹ luôn nói (có phần nào không đúng) rằng Hồ Chí Minh đã mở đầu Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Việt Nam bằng việc trích dẫn “Tuyên ngôn” của Mỹ. Cụ Hồ có kiểm tra lại trích dẫn của mình không? Nếu có thì thế nào nhỉ? Trả lời được câu hỏi ấy, chúng ta có thể đoán được chính xác rằng liệu Cụ Hồ có ngẫu nhiên hoặc cố ý sửa đổi trích dẫn từ bản Tuyên ngôn của Mỹ.

Vào tháng 8 năm 1945, ông Charles Fenn, một nhân viên của OSS (bí danh là “Hamlet”) đặt mật danh cho Cụ Hồ là “Lucius”, tên vị Hoàng đế La Mã chiến thắng trong vở bi kịch đầu tiên của Shakespear là Titus Andronicus.

Hồ Chí Minh lại vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Cụ đã kiểm tra lại các trích dẫn: “Lucius” điện cho “Hamlet”. “Hamlet” đã soát lại tại thư viện của Chính phủ Mỹ. Cụ Hồ đã đổi câu trong bản dịch Tiếng Anh của mình.

Bản Tuyên ngôn của Mỹ viết:

“… Chúng tôi coi đây mà một chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông (tôi gạch dưới) sinh ra đều bình đẳng…”

“… We hold these truths to be sefl-evident, that all men (emphasis mine) are created equal…”

Khi Tuyên ngôn của Mỹ viết năm 1775 “mọi đàn ông” (all men) là “đàn ông da trắng có sở hữu”, mà “sở hữu” lúc đó thường là “nô lệ da đen”. Đàn ông da đen có quyền được đi bầu cử 95 năm sau đó; phụ nữ Mỹ được đi bầu cử 50 năm sau nữa.

Khác với Tuyên ngôn của Mỹ, “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu:

“Tất cả mọi người (tôi gạch dưới) đều sinh ra có quyền bình đẳng…”

“All people (emphasis mine) are created equal…”

Hơn nữa, cách chọn từ của Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi của mình “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng là chỉ ra được ý định tập hợp mọi người dân. “Đồng bào” là “cùng trong bọc trứng” mà theo huyền thoại gốc của Việt Nam là do bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con: 50 người lên núi và 50 người xuống đồng bằng.

Tuyên ngôn Độc lập” của Cụ Hồ bao hàm ngôn ngữ tổng hợp như “dân” (people, common people); “nhân dân”(citizens) và “dân tộc” (nation, the people) cũng là từ chính thức để chỉ bất cứ dân tộc nào trong năm mươi tư dân tộc của Việt Nam. Từ tiếng Việt để chỉ “đàn ông” (men) không hề xuất hiện ở đây.

Năm 1945, Việt Nam còn là một xã hội Nho giáo, phụ nữ phải tam tòng: Còn nhỏ phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng và khi chồng chết thì phải theo con trai (câu nói của Khổng tử: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Người phụ nữ lúc đó không bao giờ được tự thuộc về chính bản thân mình.

Hồ Chí Minh rất giỏi tiếng Anh: Cụ phân biệt được “đàn ông” (men) và “mọi người” (people). Với việc chỉ sửa một từ trong bản dịch của mình, Cụ Hồ đã khôn khéo nhưng cuối cùng cũng thông báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: Đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam.

(Lady Borton4Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa hòa bình, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb. Văn hóa Sài Gòn ấn hành, 2005)

Theo Khánh Linh (tổng hợp) – Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn nữa

Chú thích:

1. Nhà báo Yêmen.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tra.237.

3. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Urugoay.

4. Lady Borton là một phụ nữ Mỹ gắn bó với Việt Nam, bà đã có mặt ở Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh để làm những công việc từ thiện. Cho đến nay bà vẫn tham gia giúp đỡ nhiều hoạt động văn hóa ở Việt Nam.