Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Đảng Cộng sản Việt Nam - 90 năm đổi mới và sáng tạo

Đăng lúc: 20:00:00 01/02/2020 (GMT+7)

Nhìn lại 90 năm lãnh đạo cách mạng, có thể khẳng định là Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng sáng tạo và đổi mới, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Sự sáng tạo với tư duy mới bắt đầu ngay từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh truyền bá lý luận Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Ra đời vào mùa Xuân năm 1930, Đảng trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, quy tụ được lực lượng của toàn dân tộc. Cách mạng Tháng Tám là thành quả của tư duy sáng tạo trong khẩu hiệu và quan điểm chiến lược: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, độc lập là vấn đề sống còn, đoàn kết toàn dân tộc, quyết "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận về cách mạng xã hội lên tầm cao mới trong cách mạng giải phóng dân tộc, với cuộc khởi nghĩa toàn dân, toàn quốc, đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa; chủ động về tình thế, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ; phát triển thực lực cách mạng đồng thời xử lý đúng đắn các mối quan hệ quốc tế, giành thắng lợi nhanh và ít tổn thất.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước kéo dài 30 năm, Đảng vận dụng lý luận về cách mạng và chiến tranh cách mạng trong thời đại mới, tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp với việc xây dựng ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm, phát triển thực lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, biết thắng từng bước để đi tới toàn thắng. Điều có ý nghĩa quyết định vẫn là phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với chiến lược tổng hợp đồng thời sáng tạo trong hình thức đấu tranh và phương pháp cách mạng. Không lĩnh vực nào đòi hỏi phải sáng tạo như trong phương pháp cách mạng. Nhờ sáng tạo mà cách mạng và dân tộc Việt Nam đã chiến thắng những thế lực đế quốc thực dân mạnh hơn mình rất nhiều lần.

Phương pháp luận khoa học của Hồ Chí Minh giản dị như chân lý khi Người cho rằng mọi việc đều phải "xét hoàn cảnh nước mình" để "có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội". Người quan niệm: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh". Nhận thức ấy thật rõ ràng, cụ thể, không hề phức tạp, trừu tượng. Tháng 9-1959, Bác Hồ nêu rõ: "Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta"[1].

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc giai đoạn 1954 - 1975 và trên cả nước sau năm 1975 đã tỏ rõ vai trò, tính ưu việt của chế độ mới bảo đảm giành thắng lợi trong kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Cùng với thành công cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, nhất là trong cơ chế quản lý, chính sách kinh tế. Những khuyết điểm đó có tác động của hoàn cảnh khách quan nhưng chủ yếu do nhận thức chủ quan, vừa bảo thủ, trì trệ vừa chủ quan, nóng vội, giáo điều. Đảng đã sớm phát hiện điều đó và từng bước đổi mới tư duy và cơ chế chính sách. Đại hội VI với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã tự phê bình những sai lầm về chính sách kinh tế, về vấn đề thị trường và kế hoạch, về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Một bài học được nhấn mạnh là: "Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng"[2].

Suốt hơn 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng không ngừng đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, nhận thức ngày càng rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vượt qua sự khủng hoảng và đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, vững tin vào con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Đảng bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, thực hiện đổi mới toàn diện đất nước gắn liền với việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Có thể thấy rõ những sáng tạo nổi bật của Đảng trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đó là xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng làm rõ đặc điểm, quy luật và thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phát triển và quản lý phát triển xã hội, xây dựng văn hóa, con người, vì cuộc sống con người. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong khi khẳng định những thành tựu, thành công trong lãnh đạo, Đảng thường xuyên tự phê bình, phê bình, nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém; thấy rõ cơ hội cho sự phát triển đồng thời cũng chỉ rõ những nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Để thanh lọc những cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Đảng chỉ đạo đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của Đảng cầm quyền.

Ở mọi thời kỳ cách mạng, sự lãnh đạo đúng đắn còn tùy thuộc ở sự phát hiện và xử lý đúng đắn các mối quan hệ. Đại hội XII của Đảng (1-2016) nêu rõ: "Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"[3]. Những quan hệ đó đã và đang được xử lý, hiện thực hóa với tư duy mới, sáng tạo và phát triển trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm qua đem lại niềm tin có cơ sở khoa học và hiện thực về con đường tươi sáng của Đảng, của dân tộc.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc