Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Câu chuyện: Tấm lòng của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng

Đăng lúc: 10:00:00 13/05/2021 (GMT+7)

Tháng 5 nhớ Bác Hồ! Gần đến sinh nhật lần thứ 131 của Người, câu chuyện nhỏ xin được kể lại Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thiếu niên, nhi đồng, về việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện rõ tư tưởng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" của Người.

Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế thiếu nhi (năm 1969)

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc tới thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng. Đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ đối với vận mệnh của dân tộc, Bác Hồ đã từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội" (1).

Khi đất nước còn đắm chìm trong vòng nô lệ, chứng kiến cảnh cơ cực, lầm than của thiếu niên nhi đồng - những chồi non, những “búp trên cành”, Bác rất xót xa, và chính Người đã giáo dục, giác ngộ, động viên các cháu thiếu niên nhi đồng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Những thiếu niên được Bác dìu dắt từ những ngày ở Quảng Châu như: Lý Tự Trọng, Lý Văn Minh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tợ, Lý Phương Thuận,… cùng những tấm gương thiếu niên nhi đồng dũng cảm sau đó như anh Kim Đồng, như bạn Vừ A Dính,v.v... đã làm rạng rỡ truyền thống của Đội thiếu niên và nhi đồng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận mình là người anh lớn luôn mong mỏi các em được giỏi giang, Người tin tưởng và kỳ vọng ở các em: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (2). Đặt niềm tin, hy vọng rất nhiều ở thế hệ tương lai của nước nhà, sự quan tâm của Người đối với thiếu niên, nhi đồng gắn liền với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước. Không chỉ quan tâm đến việc giáo dục, dạy dỗ thế hệ măng non, dù bận công việc quốc gia đại sự, Người vẫn không quên Tết trung thu độc lập đầu tiên của các cháu và viết rằng: “Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái”. Người đã gửi cho thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần, thể hiện niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập và hy vọng các em sẽ được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bày tỏ sự quan tâm, những tình cảm đặc biệt cho thế hệ măng non của nước nhà, những bài nói, bài viết của Bác thể hiện sự chăm lo, giáo dục, thể hiện rõ nhiệm vụ bảo vệ các “chồi non” của đất nước rất ân cần, cụ thể và gần gũi với thực tế. Trong trái tim nhân hậu của vị cha già dân tộc, ở giai đoạn nào của cuộc cách mạng, trẻ em cũng luôn là lớp công dân đặc biệt được Bác dành sự quan tâm sâu sát, và mong mỏi “các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”. Trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ cũng dành thời gian cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Người từng nói: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng” (3). Với ý nghĩa đó, những bức thư Người gửi nhân dịp khai trường, mỗi dịp trung thu, những bài nói, bài phát biểu về nhiệm vụ chăm sóc thiếu niên nhi đồng; về nhiệm vụ và sự góp sức của các đội viên thiếu niên nhi đồng thông qua công tác Trần Quốc Toản, và những món quà tặng đầy ý nghĩa của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, như nhành hoa, quyển vở, huy hiệu, lời thơ, v.v.. luôn ân tình, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn.

Từ nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng - đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ từng căn dặn cha mẹ, các cấp bộ, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt” (4), và “giáo dục trẻ em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc” (5). Và Người cũng ân cần nói với thiếu niên, nhi đồng: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do” v.v..

Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày một gay go, quyết liệt, khi các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam còn đang bị đọa đầy dưới ách thống trị của bè lũ Mỹ - Diệm, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội thiếu niên tiên phong (15/5/1941 - 15/5/1961), Bác Hồ đã viết thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư, Người khen ngợi thành tích các em đã đạt được, nhắc nhở các em thiếu nhi miền Bắc phải luôn nhớ đến các bạn miền Nam ruột thịt. Người đã cổ vũ, động viên các em tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc bằng cách thực hiện tốt mấy điều sau: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh. Thật thà, dũng cảm". Đặc biệt, đối với các cháu được gửi đi đào tạo tại nước ngoài, Người nhắn nhủ: “Các cháu cố gắng học tập để sau này về phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xứng đáng là người đã được Đảng, Chính phủ, nhân dân và thầy giáo Liên Xô săn sóc, dạy bảo, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản mà các cháu đang làm và sau này các cháu phải làm” (6).

Không chỉ mong mỏi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Người còn luôn dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, đặc biệt là những thiếu niên, những anh hùng dũng sĩ của miền Nam tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Cũng giống như nhiều thiếu niên, anh hùng dũng sĩ khác, Đoàn Văn Luyện - dũng sĩ diệt Mỹ tỉnh Quảng Nam được ra miền Bắc học tập và tháng chạp năm 1968, anh được vinh dự gặp Bác Hồ và bác Tôn trong Phủ Chủ tịch. Ấn tượng sâu sắc nhất của người dũng sĩ miền Nam trong buổi gặp đó, là được ăn cơm cùng Người và Bác Tôn; được Bác hôn, được nhận từ Người bông hoa hồng, một quả táo, quyển sách “Người tốt, việc tốt”, và nhất là lời nói hiền từ của Bác: “Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện”. Từ trái tim mình, dũng sĩ Luyện xúc động và nghĩ: “Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương như vậy, các bạn còn ở trong Nam, hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!…” (7).

Ngày 1/6/1969, năm cuối của cuộc đời vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân dân, số 5526, trong đó căn dặn: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt" (8).

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thiếu niên, nhi đồng, về việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện rõ tư tưởng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (9) của Người. Và tư tưởng đó, tình cảm đó của Người thể hiện trong phong cách sống, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học, luôn nhất quán và xuyên suốt.

Trước khi đi xa, về với thế giới người hiền, Bác Hồ vẫn dành sự quan tâm đến thế hệ mầm non của nước nhà và Người đã hai lần nhắc đến các cháu thanh niên và nhi đồng trong bản Di chúc lịch sử. Đoạn mở đầu, Bác viết: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta", và ở đoạn kết thúc, Bác viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân toàn Đảng cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng", đồng thời gửi lời chào đến "các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng quốc tế".

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng cùng với sự phát triển của cách mạng, cùng với thời gian, tình cảm, sự quan tâm, những căn dặn, chỉ dẫn của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng luôn được Đảng, Chính phủ, các cấp bộ ngành quán triệt và thực hiện. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi giai đoạn, song trên thực tế, thiếu niên nhi đồng cả nước đã nhận được sự quan tâm, chăm lo ở cả gia đình, nhà trường và xã hội, để ngày một trưởng thành và có thể tiếp bước các đàn anh trở thành “lực lượng cách mạng kế cận”. Tình cảm và tấm lòng của Bác Hồ cũng luôn sâu đậm trong trái tim các cháu thiếu niên nhi đồng Việt Nam, nâng bước, chắp cánh để mỗi người ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong học tập, tu dưỡng đạo đức và phấn đấu trở thành những công dân tốt, góp sức cho cộng đồng. Không bao giờ cũ, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng vẫn luôn đồng hành cùng các em học sinh trong mỗi lớp học, mỗi nhà trường của hôm nay, và trong tương lai. Cùng với thời gian, lời hát “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh; Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” vẫn ngân vang, và trào dâng niềm xúc động.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược trồng người, toàn Đảng, toàn dân đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các văn bản dưới luật, và sau đó là "Luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em" đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 1991. Dù vẫn còn những bất cập, nhưng những quyết sách về giáo dục, những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là sự rút ngắn về khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước; những tấm gương tích cực trong học tập, rèn luyện, là con ngoan, trò giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ, hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, phù hợp với lứa tuổi của các cháu thiếu niên nhi đồng trong cả nước; những tấm gương “nghèo vượt khó” của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đầy nghị lực và ý chí vươn lên ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, v.v.. cho thấy, chúng ta từng bước thực hiện tốt tư tưởng của Người về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng./.

 

Nguyễn Hồng Thúy

Bảo tàng Hồ Chí Minh