Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kỳ 8
21. Bác Hồ, một cuộc đời vì nhân dân
“Nếu đồng chí muốn đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên K thì ngay sáng mai, 5 giờ sáng, đề nghị đồng chí đợi chúng tôi ở ngã ba T.Đ trên đường đi Tuyên Quang”.
Tôi hết sức sung sướng và cảm động khi nhận được những dòng thông báo trên đây, do Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi cho. Thế là một trong những mong ước lớn nhất của tôi sắp trở thành hiện thực. Tính từ ngày đặt chân tới Việt Nam đã hai tháng còn gì! Dịp ấy, tôi được cử dẫn đầu một đoàn cán bộ Cộng hòa Dân chủ Đức gồm năm nhà văn, nhà báo và nhà điện ảnh sang thăm Việt Nam các đồng chí từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 1 năm 1955. Các bạn điện ảnh đang quyết tâm hoàn thành hai bộ phim tài liệu quý về đất nước và con người Việt Nam; còn tôi, tôi cũng phải mang về nước mình những gì có ích cho nhân dân. Tôi ao ước có ngày được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của nhân dân Việt Nam và sẽ viết một bài về Người. Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, trước đó cũng đã có người giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nhưng thường là mang tính chất tiểu sử, tư liệu. Chúng tôi biết rõ người đã từng hoạt động bí mật ở Đức, từng có quan hệ mật thiết với các lãnh tụ của phong trào công nhân Đức như Clara Détkin, Vin hem Pích1… Tôi nghĩ rằng chắc chắn Người có nhiều kỷ niệm và những mối thiện cảm với nhân dân Đức. Càng nghĩ, tôi càng bồi hồi, không sao ngủ được. Ở Việt Nam, trong những ngày tháng này, tôi đã có những đêm khó ngủ như thế. Dạo ấy, Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, trên đất nước này diễn ra bao sự kiện quan trọng. Khi tôi đặt chân tới Việt Nam, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng đang cúi đầu rút khỏi Hà Nội. Nhưng Nam Định và một vài địa phương khác vẫn còn trong tay chúng. Hồi này, việc cưỡng ép di cư vào Nam đối với những công giáo ở các vùng Bùi Chu, Phát Diệm đang được các thế lực phản động tiến hành ráo riết.
Sáng ấy, tôi dậy rất sớm, cẩn thận cất vào túi mảnh giấy có dòng thông báo quan trọng về việc đi gặp Bác Hồ và vội vã lên đường. Tại ngã ba T.Đ tôi nhập vào đoàn xe như đã hẹn. Khi đoàn xe dừng lại trước bờ sông thì mặt trời đã nhô ra khỏi rặng tre, đỏ lựng. Tôi nhìn thấy những chiếc thuyền nan đang chờ khác tới. Tôi cùng mọi người xuống thuyền. Trong số đó có một ông cụ bịt kín mặt bằng chiếc khăn len, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Trên bờ sông, có những người chỉ trỏ Ông Cụ đang nhanh nhẹn bước xuống thuyền và thì thầm gì đó vào tai nhau. Ông Cụ ngồi khuất trong một góc kín, đã bỏ chiếc khăn len ra khỏi mặt. Người phụ nữ lái thuyền và tôi cũng nhận ra ngay: Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thật xúc động, muốn bước tới chào Người nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi chỉ ngồi im. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ trong trường hợp như vậy đấy.
Làng khuất sau một bãi chuối xanh rì. Con đường hẹp từ bờ sông dẫn vào làng không dài lắm nhưng dốc. Tôi đi trong tốp đầu, nhận ra ngay trong một căn nhà tranh khá rộng, có đông người đang ngồi trên những dãy ghế dài. Người dẫn đường nói nhỏ với tôi:
Đó là Hội nghị cán bộ cải cách ruộng đất. Tôi gật đầu vào lúc này tôi mới hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một Hội nghị quan trọng. Căn phòng khá rộng, được trang trí giản dị. Phía trước Hội trường là bức chân dung cỡ lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, treo trên nền cờ đỏ sao vàng. Có tới 2.000 người tham dự Hội nghị. Tôi đang chờ dịch nghĩa mấy câu khẩu hiệu căng ở hai phía Hội trường thì mọi người nhộn nhịp đứng cả dậy hô lớn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!…”
Bác Hồ tươi cười vẫy chào mọi người và bước lên bục. Tiếng hoan hô vẫn vang dậy. Không thể không xúc động trước nhiệt tình của những người cán bộ đối với vị lãnh tụ của mình. Nhưng khi Người bắt đầu nói thì Hội trường trở lại im phăng phắc một cách kỳ lạ.
Người nói liền trong một tiếng đồng hồ. Như một người cha, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi những cố gắng của cán bộ và khuyến khích họ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được trao. Tôi nhớ nhất câu người nói: Cuộc cải cách ruộng đất cũng là một cuộc cách mạng đầy gian khổ, tuy không vũ trang. Các cô, các chú cũng là một loại binh chủng. Đó là binh chủng đấu tranh quét sạch tàn dư của chủ nghĩa phong kiến. Người cũng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện chưa thật gần gũi quần chúng của một số cán bộ. Người nhấn mạnh: Muốn đạt kết quả tốt, các cô, các chú phải dựa vào quần chúng, tức là dựa vào bà con nông dân. Phải biết kính trọng, yêu mến họ, vì chính họ là lực lượng chủ yếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Họ đã khổ cực rất nhiều, đã hy sinh rất nhiều. Và lúc này chúng ta có nhiệm vụ đem lại cho nông dân một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các cô, các chú hãy gần gũi họ, lắng nghe họ, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với họ. Và chỉ như vậy, các cô, các chú mới có nghị lực để vượt qua những khó khăn trong công tác. Bác tin các cô, các chú sẽ làm được như vậy!
Người vừa dứt lời, cả Hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy. Bác Hồ nhẹ nhàng rút trong túi ra 15 chiếc Huy hiệu của Người và để trên bàn. Bác hỏi:
Bác biết tặng cô, chú nào những chiếc Huy hiệu này đây? Tốt nhất là các cô, các chú chọn ra những người xuất sắc nhất! Các cô, các chú đồng ý với Bác nhé!
Mọi người lại vỗ tay reo lên sung sướng…
Đoàn xe đi chậm lại, rồi dừng hẳn. Đồng chí bác sĩ tùy tùng của Bác nói với tôi:
– Chúng ta tạm nghỉ để ăn sáng đã.
Một vài đồng chí bộ đội trải khăn ra dọn ăn. Bác Hồ đang ngồi bên một gốc cây thông. Lúc này tôi mới dám đến gần Người. Bác Hồ mỉm cười chào tôi bằng tiếng Đức:
– Mời đồng chí ngồi xuống đây!
Các đồng chí khác cũng quây quần bên Người. Bữa ăn sáng thật đơn giản: Cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Tôi cũng lấy thức ăn mang theo, nhưng Bác Hồ bảo ăn cùng với người.
Thoạt tiên Bác Hồ nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn Người nói bằng tiếng Đức. Giữa một vùng quê Việt Nam hùng vĩ, được nghe Người, nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, nói tiếng nói của dân tộc chúng tôi, tôi không khỏi xúc động. Và trong giây phút ấy, tôi thoáng nghĩ về quê hương, nơi hàng chục năm về trước Bác Hồ đã đặt chân tới. Người cho biết: Hồi ấy, Người chỉ ở Berlin một thời gian ngắn, vì cảnh sát truy lùng rất gắt gao. Các đồng chí cách mạng Đức bố trí Người đến ở các vùng Noikhoen, Vétđinh và sau cùng xuống Semnitxo, tức là tỉnh CácMácxtát ngày nay. Vùng này yên ổn hơn, phong chào công nhân mạnh. Người nhắc đến Vinhhem Pích, vị Chủ tịch đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức, với một tình cảm đằm thắm. Người đưa mắt nhìn ra xa, rồi quay lại nói với tôi: “Phong trào công nhân Đức là cả một lực lượng mạnh!”
Bác Hồ chợt quay lại phía tôi, cười hiền hậu:
– Ở Berlin, bia “bốc” còn ngon như trước không?
Tôi phải bật cười và không khỏi ngạc nhiên bởi vì, sau mấy chục năm trời, Bác Hồ vẫn còn nhớ đến loại bia mạnh có tiếng bên Đức. Người cho biết: Khi ở Berlin, Người thường đến ăn tại tiệm “Asinhngo”, một tiệm ăn rẻ tiền giá mỗi bữa chỉ 20 xu, thường có món súp đậu, còn bánh mì thì để trong một cái đĩa to đặt giữa bàn, ăn thoải mái, không phải tính tiền. Tiệm ăn này đông khách lắm, phần lớn là sinh viên và dân nghèo. Thỉnh thoảng Người có mua một cốc bia “bốc” để uống.
Tôi lặng lẽ nhìn gương mặt Bác. Đó là gương mặt của một người cha suốt đời chịu đựng hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình. Người nói như tâm sự: Tôi ít khi được ngồi nghỉ ngơi như thế này. Đồng chí bác sĩ của tôi khuyên thỉnh thoảng nên nghỉ một chút và quả là làm như vậy tốt hơn.
*
Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng tôi dừng lại ở một làng quê ven sông Hồng. Chúng tôi theo Người bước trên con đường trải nhựa, chạy ngoằn nghèo trong xóm, lẫn trong bóng mát của những rặng chuối tiêu. Các em nhỏ nô đùa trong sân chạy ùa ra sân vì thấy có khách lạ. Được Bác Hồ đưa tay xoa đầu, một em gái nhoẻn miệng cười sung sướng, nhưng hẳn em không thể ngờ được rằng người xoa đầu em chính là Bác Hồ.
Chị chủ nhà vừa đi làm đồng về, đang cho trâu vào chuồng, nghe thấy tiếng người vội quay lại: Trước mặt chị là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn mặt chị cũng đủ hiểu chị rất xúc động trước điều vui sướng bất ngờ này. Chị cúi chào Người kính cẩn theo kiểu chào ở nông thôn Việt Nam và mời Người vào nhà. Chị vội vã đun nước và rót mời khách. Chúng tôi uống cạn những chén nước nhỏ, thầm cảm ơn lòng mến khách của chị chủ nhà. Bác hỏi chuyện làng xóm. Chị thưa với Người là nhờ cải cách ruộng đất, chị vừa được chia một thửa ruộng. Bác Hồ hỏi việc cày bừa có vất vả không. Chị trả lời:
– Thưa Bác, cháu trai lớn của cháu mới được phục viên giúp cháu nhiều. Và vừa hôm qua, Ủy ban cũng vừa chia cho một con trâu.
Chị cười sung sướng:
– Bây giờ cháu giàu thật rồi Bác ạ!
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cười. Nhưng gương mặt chị bỗng nhiên đượm một vẻ buồn. Chị thưa với Người.
– Giá như nhà cháu còn sống mà thấy cảnh này thì thật thỏa lòng. Nhà cháu hy sinh ở mặt trận Hòa Bình Bác ạ!
Nghe chị nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lặng đi một lát, chừng như thấu hiểu nỗi lòng người vợ của một chiến sỹ vô danh và đang tìm lời an ủi chị. Bác nói với chị, giọng trầm hẳn xuống: “Ngay từ những ngày đầu, khi bước vào con đường đấu tranh cho tự do, chúng ta ai nấy đều hiểu rõ không phải mọi người đều sẽ về tới đích. Chắc chắn sẽ chịu những hy sinh, mất mát. Mỗi người trong chúng ta đều cống hiến cuộc đời mình cho tự do của đất nước. Một số đồng chí đã ngã xuống! Chúng ta không bao giờ quên công ơn của họ. Và chúng ta có nhiệm vụ làm cho con em họ, gia đình họ được no ấm hơn. Sự biết ơn của Tổ quốc đối với họ không phải là nói suông…”.
*
Người tiếp tục đến thăm các gia đình khác trong làng. Hệt như một người cha đi vắng lâu ngày về thăm các con vậy. Điều gì Người cũng muốn biết: Lúa cấy ra sao, sức kéo có đủ không; bao nhiêu cháu học cấp một, cấp hai…
Người cũng không ngần ngại lắng nghe cả những phân trần của bà con trong việc phân chia ruộng đất, trâu cày. Đó là những lời nói thật thà, cởi mở. Còn có thể tin ai hơn Bác Hồ – người suốt đời chăm lo lợi ích của nông dân, công nhân, luôn luôn chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của họ? Nhưng cái chính là họ đều thưa với vị Chủ tịch của mình về những đổi mới tốt đẹp. Họ khoe với Người về căn nhà tranh mới xây, về bát cơm đầy, về tấm áo lành lặn. Và Bác Hồ, người cha hiền từ của họ đã mỉm cười hài lòng. Người cầm tay họ, ân cần khuyên bảo điều này, điều nọ. Không ít người đã khóc vì vui sướng, xúc động.
Cuộc chia tay thật là nặng nề. Tưởng chừng những nông dân ở khu vực sông Hồng này không thể rời khỏi vị lãnh tụ kính yêu của họ được.
Xe chúng tôi đã đi được một chặng đường rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn triền miên trong ý nghĩ về cái làng Việt Nam với những con người chân chất, hồn hậu ấy. Và tôi lại càng nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người đã, đang và sẽ không ngừng mang cho họ một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mặt trời tỏa ánh nắng dìu dịu trên những đồng lúa xanh biếc. Vụ này hẳn sẽ được mùa.
(Phranxơ Phabe2, trích trong sách Người là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr. 223-232).
22. Một lãnh tụ không chuộng nghi thức
Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Hồ Chí Minh là vào dịp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do Chủ tịch Nô-xa-ca Xan-dô dẫn đầu sang thăm Trung Quốc năm 1959. Lần đầu để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc là vào dịp họp Hội nghị lần thứ 81 của Đảng Cộng sản và Công nhân ở Mát-xcơ-va năm 1960. Với tư cách là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản, tôi đã đến thăm đồng chí Hồ Chí Minh… Đồng chí ngồi xếp bằng tròn trên một chiếc ghế và thân mật nói chuyện với tôi… Tới năm 1964, trong lần Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản chúng tôi sang thăm Hà Nội, đồng chí Hồ Chí Minh đã đặc biệt thân hành đến thăm chỗ chúng tôi ở.
Cái hôn
Lần này cũng vậy, đồng chí đến thăm chúng tôi không phải với kiểu cách đặc biệt trịnh trọng, không dẫn theo nhiều người, cũng không đi vào cửa chính chỗ chúng tôi ở mà đến với chúng tôi một cách hoàn toàn tự nhiên, thoải mái. Đồng chí nói chuyện với chúng tôi và hoan nghênh chúng tôi không một chút nghi thức phiền phức nào. Đồng chí đã ôm hôn chúng tôi, coi chúng tôi như những người Việt Nam, như những người bạn nước ngoài rất thân thiết.
Ngay trong buổi chiêu đãi chính thức chào mừng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản chúng tôi cũng vậy, đồng chí Hồ Chí Minh cũng hết sức thân mật, vui vẻ như gặp lại những người đồng chí lâu ngày xa cách…
Chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đến thăm nhà riêng chúng tôi ở và nói với chúng tôi những câu chuyện vui thoải mái, tất nhiên cũng có cả những câu chuyện chính trị. Mỗi lần nói chuyện xong, Người đều nói: “Chào các đồng chí”, rồi đồng chí ra về rất tự nhiên. Có một lần, khi xuống thang gác ra về, phóng viên nhiếp ảnh đề nghị: “Xin Chủ tịch cho chụp một kiểu ảnh ở đây”. Với một giọng vui vẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thế à, nào thì chụp!”. Rồi Người ngồi ngay xuống bậc thang và bảo tôi: “Mời đồng chí ngồi xuống đây!”. Thế là chúng tôi có được tấm ảnh chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một việc đó cũng chứng tỏ đồng chí Hồ Chí Minh không chuộng nghi thức một chút nào.
Vừa là phòng đọc sách, vừa là buồng ngủ
… Chủ tịch Hồ Chí Minh mời chúng tôi đến thăm ngôi nhà Người ở. Ngôi nhà thật giản dị.
Vừa vào tới nhà, Người ngồi xếp bằng tròn ngay lên giường và nói: “Mời các đồng chí ngồi xuống đây”. Nơi Người ở vừa là chỗ ngủ, vừa là phòng đọc sách. Người đã tiếp chúng tôi tại đây.
… Những điều trên đây làm tôi thực sự hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 30 triệu nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc tôn kính, tin cậy và thương yêu vô hạn.
Khiêm tốn, gần gũi
Các đại biểu của nhân dân Việt Nam đã sang thăm Nhật Bản nhiều lần. Chúng tôi có ấn tượng là những người Việt Nam sang thăm Nhật Bản đều rất khiêm tốn, giản dị. Tôi cảm thấy chính phẩm cách, tác phong đặc biệt khiêm tốn, giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng sâu sắc đến Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hòa sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất của nhân dân Việt Nam.
Ngôi Nhà sàn giản dị
Trong dịp chúng tôi sang thăm Việt Nam năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo chúng tôi: “Mời các đồng chí lúc nào đến chỗ tôi chơi”. Đây là một ngôi Nhà sàn bằng gỗ, giản dị và nhỏ như những ngôi nhà của những công nhân, viên chức hạng thấp ở Tô-ky-ô. Ở cầu thang có mắc chuông gọi. Khách đến thăm giật chuông báo trước. Cái chuông này do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm lấy. Người chỉ cho chúng tôi xem và nói: “Tiện lắm, các đồng chí ạ!”.
Quần áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như quần áo của nông dân Việt Nam vẫn thường mặc. Hình như Chủ tịch Hồ Chí Minh không có quần áo nào khác ngoài những bộ đó. Người đi dép không mang bít tất. Đó là loại dép cao su cắt từ lốp ô tô ra. Loại dép này Người đi từ thời gian phải leo đèo, lội suối để kháng chiến chống thực dân Pháp, hiện nay đã trở thành một thứ nổi tiếng được gọi là “đôi dép Bác Hồ”.
Điều đáng ngạc nhiên là khi họp Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân ở Mát-xcơ-va đầy tuyết với trang phục như vậy, vẫn với đôi dép cao su đàng hoàng đi vào Điện Krem-li, hoàn toàn như một nông dân Việt Nam chất phác. Người chỉ khác người thường ở đôi mắt sáng ngời, đôi mắt đặc biệt chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Tôi mãi mãi không thể nào quên được đôi mắt đó…
(Ha-ra-ma-đa Xa-tô-mi3 và Yô-nê-ha-ra Y-ta-ru4, trích bài đăng trên báo Acahata, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản số ra ngày 05/9/1969).
Theo Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đức Lâm (tổng hợp)
Tin khác
Tin nóng
- Hướng dẫn xây dựng Chi đoàn mạnh
- Quy chế thi đua khen thưởng nhiệm kỳ 2022 - 2027
- Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII
- Thông báo phân công nhiệm vụ các đồng chí Ủy viên BCH, BTV Huyện đoàn Triệu Sơn khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2027
- Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2023
- Văn kiện Đại hội lần thứ XVI
- HD Đoàn viên, thanh thiếu niên khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư giai đoạn 2022 - 2027
- V/v Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2022)
- HD bình xét thi đua công tác Đoàn - Đội - Hội Chữ thập đỏ khối trường học năm học 2021 - 2022
- KH Tháng Thanh niên năm 2022
- V/v tổ chức các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi vui đón Tết Nguyên đán - Nhâm Dần năm 2022
- V/v thông báo lịch duyệt kế hoạch Đại hội Đoàn cấp cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2027
- V/v đăng ký công trình thanh niên chào mừng Đại hội Đoàn cấp cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Triệu Sơn lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027
- HD tuyên truyền Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022 – 2027
- V/v đăng ký tổ chức Chương trình định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh khối 12
- HD triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” năm học 2021 - 2022
- V/v triển khai cuộc thi trực tuyến Bác Hồ với Thanh hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác
- V/v tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII của ĐTNCS Hồ Chí Minh
- V/v triển khai cuộc thi trực tuyến thanh niên với văn hóa giao thông năm 2021
- V/v củng cố Đội hình tình nguyện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện