Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
694963

Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kỳ 11

Đăng lúc: 10:00:00 16/09/2019 (GMT+7)

 bac-ho-voi-ban-qte-3-1.jpg
30. Hãy học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người

 Một trong những nét nổi bật về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã sống nhiều năm ở nước ngoài – ở Châu Âu, Anh, Pháp, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Người đã từng là công nhân trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng ở Mátxcơva và trong các Đảng Xã hội ở Châu Âu, Người được thừa nhận là một vị lãnh tụ cách mạng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Đương nhiên Người không quan điểm mình là trên hết, nên phẩm chất lãnh đạo của Người được phát huy không chỉ do am hiểu lý luận xã hội chủ nghĩa mà còn do bản chất khiêm tốn, giản dị và cởi mở. Nói rõ hơn, Người không bao giờ có tham vọng cá nhân, phù phiếm; Người không cố công để trở thành một nhân vật xuất chúng, theo ngôn ngữ của các xã hội tư bản. Những năm tháng sống ở nước ngoài, Người dành thời gian chủ yếu cho việc nghiên cứu và học hỏi, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thực tế có phần dựa vào kinh nghiệm hàng ngày của bản thân trong giai cấp công nhân và đặc biệt sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, nghiên cứu chủ nghĩa xã hội đang dần dần từ lý luận biến thành hiện thực trên toàn Liên Xô. Những năm tháng sống ở nước ngoài, Người vẫn luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để giải phóng nhân dân nước mình khỏi ách đô hộ và bóc lột thực dân. Người cũng nhận thức sâu sắc rằng cần phải kết hợp sức chiến đấu của ý thức dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy với những mục tiêu đồng cảm về cơ bản là hòa bình và nhân đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong gần ba thập niên, Người đã sống và làm việc ở nước ngoài nhưng về ý thức Người không hề xa Tổ quốc. Tương lai của Việt Nam và nhân dân Việt Nam là cơ sở tư tưởng của Người về hầu hết các vấn đề lý luận và chiến lược; phấn đấu cho nền độc lập và tự do của Việt Nam là cơ sở để Người vươn lên về trí tuệ và chính trị.

Tháng 01 năm 1967, khi hành động bạo lực của đế quốc Mỹ chống Việt Nam lên đến mức ác liệt nhất, nhiều tác giả bảo thủ nổi tiếng ở Anh đã gửi thư cho Thời báo (Times) lên án các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và tự cho mình là “tiếng nói của lý trí”. Những người đó viết: “Khi tất cả các vấn đề ít quan trọng được giải quyết, chúng ta đứng ở phía nào?”. Tất nhiên câu trả lời của họ là phía Mỹ. Nhưng như hồi đó tôi đã phát biểu, việc giết và làm bị thương một triệu, một nửa triệu hay một phần tư triệu trẻ em Việt Nam phải chăng là một “vấn đề ít quan trọng?”. Phải chăng lí trí phương Tây, triết học phương Tây, văn hóa phương Tây, đạo đức phương Tây của chúng ta thường được khoe khoang nhiều đã đưa con người phương Tây của chúng ta tới chỗ coi việc thiêu sống trẻ em bằng bom napan và bom phốtpho là một vấn đề ít quan trọng, một vấn đề không đáng quan tâm?

Dù thế nào thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải bắt đầu trong những năm 1960 như báo chí, Đài Phát thanh, vô tuyến truyền hình phương Tây giới thiệu. Nó bắt đầu từ năm 1858, khi lần đầu tiên thực dân Pháp xâm nhập cơ cấu xã hội Đông Dương. Chiến tranh không phải đã diễn ra 10 năm như nhiều người phương Tây tưởng; nó đã diễn ra trong 117 năm. Trước hết, đó không phải là cuộc chiến tranh do người An Nam gây ra mà là do sự ngạo mạn của phương Tây, sự xâm lược của phương Tây, sự tàn bạo của phương Tây, sự lừa bịp của phương Tây và lòng tham của phương Tây. Đối với nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh đó đã trở thành nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự chiếm đóng và nô dịch của Pháp, sự xâm lược của Nhật Bản với sự cộng tác của Chính phủ Visi (Vichy), sự trở lại chiếm đóng của Pháp và cuối cùng là sự xâm lược của Mỹ và chư hầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật chủ chốt, nhân vật lãnh đạo trong cuộc đấu tranh lâu dài này. Nói như vậy không phải là làm giảm những nỗ lực anh hùng của những người khác, hoặc của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhưng ngay ở phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thừa nhận là Người có sức mạnh tập hợp trong cuộc kháng chiến và cách mạng của Việt Nam.

Tôi xin trích lời một nhà bình luận phương Tây, một người chống cộng cứng rắn Ôxtrâylia tên là Đênít Oácnơ (Denis Warner). Trong cuốn sách của mình “Người theo Đạo Khổng cuối cùng” ông ta nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có mặt khi mọi người cần tới mình. Oácnơ viết: “Vừa mới tập hợp những người cộng sản lại với nhau năm 1930, thì khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương mới nổ ra, Cụ Hồ lại đã sẵn sàng bắt tay vào việc tập hợp những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng sản vào một mặt trận thống nhất mới rộng rãi hơn. Tại một hội nghị ở Tĩnh Tây, phía Nam Trung Quốc, gần biên giới Đông Dương, vào mùa Xuân 1941, những người Đông Dương dưới sự dẫn dắt lôi cuốn của Cụ Hồ đã thống nhất lập một mặt trận chung và tổ chức “Việt Minh” đã được thành lập”. Tôi đã trích dẫn lời một nhà bình luận, mà tôi bất đồng ý kiến về hầu hết các vấn đề chính trị chỉ vì một câu nói lên nhiều ý – đó là “sự dẫn dắt rất lôi cuốn của Cụ Hồ”. Tôi không thể nghĩ đến một lãnh tụ dân tộc nào lại có thể khiến một người ở phe kẻ thù ca ngợi như vậy.

Sự thống trị thuộc địa ở Việt Nam lẽ ra phải chấm dứt vào năm 1945 với Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh như các bạn đã biết, đó là một bản tuyên bố, trên thực tế, chứa đựng những từ ngữ của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ. Trong ba năm rưỡi, Việt Minh đã chiến đấu chống quân Nhật mà không hề được bên ngoài giúp đỡ. Nhưng các cường quốc, đế quốc không hề biết ơn về điều này. Quân Anh chiếm Sài Gòn, tái vũ trang quân Nhật đã bị đánh bại và bằng cách hèn hạ đó, muốn tái lập quyền lực đế quốc. Dĩ nhiên, hành động này biểu lộ việc bắt đầu chia cắt bất hợp pháp Việt Nam thành miền Nam và miền Bắc. Tháng 11 năm 1946, quân Pháp trở lại, đưa bốn tàu chiến đến gần cảng Hải Phòng và giết hại 6.000 người Việt Nam trong một trận bắn phá buổi chiều. Pháp đã khẳng định lại chiến lược đế quốc như nhà chính trị người Anh, ông Panmốcxtơn (Palmerston), đã vạch ra vào thời kỳ gọi là “Chiến tranh thuốc phiện” ở Trung Quốc. Ông ta nói: “Chúng ta phải đánh một đòn khác ở Trung Quốc”; “Các Chính phủ văn minh nửa mùa này không những chỉ phải nhìn thấy cái gậy mà còn phải cảm thấy cái gậy ở trên vai họ”.

Trước năm 1942, Pháp thống trị gián tiếp thông qua bọn quan lại và đến lúc đó lại cố gắng làm như vậy, trong khi Hồ Chí Minh đang phục hồi phong trào dân tộc và đặc biệt là Việt Minh, giống như năm 1930 và 1941, “sự dẫn dắt rất lôi cuốn” – nếu tôi có thể dùng lại những từ đó – lại có tính chất quyết định cho thắng lợi cuối cùng. Một giai đoạn quan trọng của cuộc đấu tranh giành độc lập thực sự đã kết thúc với thất bại to lớn của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng bộ máy kiểm soát của bọn quan lại ở thành thị vẫn hoạt động trong chừng mực nào đó ở miền Nam. Bộ máy này – tuy đã thối rữa nhưng vẫn tồn tại – đã bị Mỹ nắm lấy để thống trị miền Nam. Sự đồng lõa của các cường quốc, đế quốc đã rõ ràng. Từ năm 1945, Mỹ đã nhúng tay vào nhiều hoạt động ở Việt Nam khuyến khích các hoạt động quân sự của Pháp bằng cách viện trợ tới 800 triệu đô la một năm. Tháng 12 năm 1954, trách nhiệm tổ chức và huấn luyện quân đội Sài Gòn được chuyển giao từ Bộ Chỉ huy Pháp sang cho Phái đoàn quân sự Mỹ, bằng một hiệp định bí mật, rõ ràng là vi phạm Hiệp định Giơnevơ. Sau đó, Mỹ bắt tay vào hiện đại hóa chế độ Bảo Đại, tức là tạo nên một kiểu đế quốc chủ nghĩa do các tỉnh trưởng và lính đánh thuê Việt Nam điều hành. Tổng thống Mỹ Aixenhao đã nói một cách đặc biệt thẳng thắn về các lợi ích kinh tế của Mỹ ở Đông Dương đối với ông ta, các nguồn thiếc, cao su, lúa gạo, khô dừa và dầu mỏ của toàn vùng Đông Nam Á đang bị đe dọa. Trong đầu óc của giới thống trị ở Mỹ, các lợi ích vật chất của Mỹ là tối cao và trên cùng tận của sự thôi thúc về lợi ích vật chất cơ bản này là một hệ tư tưởng phù hợp. Cần phải có một cuộc chiến tranh thần thánh chống chủ nghĩa cộng sản, ngụy trang cho điều chủ yếu là một cuộc chiến tranh nhằm theo đuổi lợi ích vật chất và quyền lực. Hệ tư tưởng này thừa nhận cái gọi là “nền độc lập” của miền Nam, thách thức công khai những điều đã được ghi trong hiệp định Giơnevơ.

Năm 1961, tôi cũng dự một cuộc họp với Crítxna Mơnông (Krishna Menon), một chính sách lớn Ấn Độ và ông ta nói: “Tôi biết các nguyên tắc của Hiệp định vì tôi có mặt ở đó”. Rồi ông ta tiếp tục: “Về vấn đề Việt Nam dựa trên nguyên tắc chỉ có một Việt Nam… Vĩ tuyến 17 là ranh giới ngừng bắn, không có gì khác… ranh giới này – sông bến Hải – không phải là sự phân chia giữa hai nước. Và đó không chỉ là ý kiến của tôi mà đã được ghi trong Hiệp định”. Mỹ vẫn tiếp tục giả bộ cho rằng có hai nước ở Việt Nam và tin chắc rằng tuyển cử tự do hứa hẹn trong Hiệp định sẽ không bao giờ diễn ra. Vì sao? Vì các cấp chính quyền khác nhau ở Oasinhtơn tin rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng trong cuộc tuyển cử tự do. Theo quan điểm của Mỹ, họ thừa nhận rằng vấn đề là ở chỗ Hồ Chí Minh thu hút được sự mến mộ to lớn của nhân dân trên khắp nước Việt Nam.

Các nhà ngoại giao và nhà báo phương Tây đều bối rối vì Người không giống như hình ảnh đã được tiêu chuẩn hóa ở phương Tây về một nhà cách mạng hung hăng, mị dân và giống như người lính. Người dịch thơ từ tiếng Trung Quốc và bản thân Người cũng là một nhà thơ lớn. Người sống giản dị không giả dối, không xa hoa. Người hoạt động tự do giữa lòng nhân dân. Người đã hiểu được rất sâu sắc nền văn hóa và lối tư duy. Thậm chí đối với những người phương Tây hiểu biết rộng, sự giản dị và nhã nhặn, lịch sự của Người dường như khó có thể hòa hợp được với quyết tâm và sự kiên định chính trị của Người. Người không cư xử như một người cầm quyền, nhưng theo một ý nghĩa quan trọng, Người rõ ràng thu phục được trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam. Khó khăn của người phương Tây trong việc cố gắng hiểu được điều này là ở phương Tây, các tổng thống, thủ tướng, vua chúa và tướng lĩnh gần như luôn luôn làm ra vẻ và hoạt động như những kẻ thống trị, bao quanh họ bằng những phù hoa và nghi lễ, truyền đạt qua giọng nói, cử chỉ, lời lẽ một thái độ chỉ huy… Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo khác hẳn. Người luôn luôn gắn bó với nhân dân mình, rút ra bài học từ những nỗi thống khổ của nhân dân, không phụ lòng can đảm và ý chí quyết tâm của nhân dân.

Âm mưu chia cắt Việt Nam của đế quốc Mỹ bị thất bại. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng được thành lập ở miền Nam Việt Nam và tới năm 1963 bộ máy được gọi là “kiểm soát kiểu quan lại” đã gần sụp đổ. Hệ thống cố vấn quân sự của Mỹ chấm dứt và đến năm 1965 toàn bộ quân đội Mỹ đã được đưa vào trận với danh nghĩa là để bảo vệ một dân tộc không tồn tại gọi là Nam Việt Nam. Nhưng mục đích thực thì lại khác. Một cuộc tiến công vũ trang trên quy mô lớn đã được phát động chống lại Việt Nam. Vào lúc này, chia rẽ rõ ràng trong dư luận phương Tây, Việt Nam, đất nước mà các nước phương Tây đã dùng những thỏa thuận và cấu kết để chia cắt một cách bất hợp pháp, thì nay lại chia rẽ chính các nước phương Tây và sự chia rẽ đó xảy ra trong chính các nước đó nhiều hơn là giữa các nước đó với nhau. Trong khi nhân dân Việt Nam ngày càng thống nhất và quyết tâm hơn, nhân dân các nước đế quốc và chư hầu như Ôxtrâylia lại ngày càng mất đoàn kết và thiếu kiên quyết. Ở phần lớn các nước phương Tây, đã diễn ra một sự chấn động xã hội là kết quả của sự thách thức trực tiếp những giá trị của sự bá chủ của các thế lực quân sự tư bản chủ nghĩa. Đầu năm 1960, Tổng thống Mỹ Giônxơn (Johnson) tuyên bố ông ta sẽ không tái tranh cử và điều đó là dấu hiệu cho thấy sự đầu hàng của ông ta trước những sức ép của dư luận và cũng cho thấy ông ta nhận ra rằng không bao giờ người Việt Nam có thể bị đánh bại. Phải mất bẩy năm nữa để buộc Mỹ rút lui hoàn toàn, nhưng chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh về cơ bản đã rõ từ cuộc tiến công Tết năm 1968.

Tới lúc này, Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn cuối cuộc đời mình. Trong gần 80 năm, bắt đầu từ những kinh nghiệm của Người trong phong trào yêu nước, Người đã phấn đấu để xây dựng một xã hội dựa trên tự do, tự quyết, bình đẳng và công bằng về kinh tế. Người cộng sản xuất sắc của Italia Antonio Gramsi đã từng nói rằng trong cuộc đấu tranh vì một xã hội xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải sẵn sàng tuân theo câu châm ngôn là: “Sự bi quan của trí tuệ là sự lạc quan của ý chí. Trong phần cuối cuộc đời mình, Gramsi đã bị giam cầm trong một nhà tù của phát xít Mussolini. Theo tôi nghĩ, điều ông muốn nói bằng câu châm ngôn này là trong khi sự bi quan của trí tuệ có giá trị trong việc đánh giá thực tế xã hội (trong trường hợp của Gramsi) đó là chủ nghĩa phát xít, thì sự lạc quan của ý chí là hoàn toàn cần thiết trong việc xây dựng một thực tại xã hội mới. Hai cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đã diễn ra ở Cuba và Việt Nam, nơi mà sự lạc quan của ý chí đã chiến thắng những khó khăn to lớn. Ở Việt Nam, điều tưởng như không thể có được cũng đã xảy ra với việc một đội quân nông dân đã đánh bại một trong những bộ máy chiến tranh hùng mạnh nhất về mặt kĩ thuật. Mặc dù, Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày thắng lợi, xét về mặt lịch sử, Người là kiến trúc sư của thắng lợi đó.

Chúng ta đang sống trong một thời đại có nhiều thay đổi và phức tạp. Như Phạm Văn Đồng đã nói, chủ nghĩa xã hội “không phải là một khuôn mẫu, một kiểu mẫu cứng nhắc mà là một chế độ xã hội tiến bộ thừa hưởng tất cả những thành tựu của loài người”. Nói một cách khác, ông thấy rằng khả năng thay đổi và điều chỉnh lại thuộc về bản chất tiến bộ của chủ nghĩa xã hội.

Xã hội xã hội chủ nghĩa không bao giờ được dừng lại ở tình trạng cố định bất di bất dịch. Xã hội đó phải luôn có khả năng đổi mới cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đa số dư luận ở phương Tây cho rằng chủ nghĩa xã hội đang bị khủng hoảng. Có thể là như vậy, nhưng đừng bao giờ quên rằng chủ nghĩa tư bản đã hoạt động trong khủng hoảng hơn 500 năm, khủng hoảng là căn bệnh kinh niên của chủ nghĩa tư bản.

 Đây không phải là lúc nói về sự bi quan của trí tuệ. Đây là lúc nói về sự lạc quan của ý chí. Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người: Kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị khi xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, nhất là với công nhân và nông dân; có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; có sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa, một sự hiểu biết có phân tích về lịch sử, đặc biệt là về cách thức mà những biến đổi lịch sử đã diễn ra; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào – đó là sự lạc quan của ý chí.

(ALAN AXBON(1), trích trong Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam. Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.177-183)

31. Trong ngõ hẹp Công-poanh

Nhà số 9, ngõ Công-poanh này là nhà riêng của mẹ chồng tôi. Bà cụ xây cất ngôi nhà này từ thế kỷ thứ XIX. Nhà có ba cửa ra vào: Một cửa chính, một cửa ngách và một cửa bước thẳng vào sân trong. Nhà nằm trong một ngõ cụt thuộc khu phố nghèo ở Pa-ri. Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, mẹ chồng tôi mở nhà trọ. Cửa vào nhà hồi đó trông xấu xí, phía dưới bằng gỗ, trên lắp kính. Trong sân có một đàn gà chạy kiếm thức ăn.

Trong số những người ở trọ nhà tôi lúc bấy giờ có một người thanh niên Châu Á. Mẹ chồng tôi là chủ nhà, biết rõ tên của anh thanh niên ấy. Còn tôi, tôi thấy tên anh ta rất khó đọc và khó nhớ. Chúng tôi trong nhà quen gọi anh là “Anh Trung Quốc”, vì tưởng anh là người Trung Quốc. “Anh Trung Quốc” ở tầng hai. Buồng anh mỗi bề 3 mét, nhìn xuống ngõ. Thời đó, ngõ nhà chúng tôi không có điện. Mãi đến năm 1930 mới có điện. Tối đến người ta thắp đèn dầu. Đời sống nhân dân trong ngõ nghèo khổ nhưng mọi người ăn ở với nhau rất tốt. Nhà nọ biết nhà kia, thăm hỏi nhau, giúp đỡ nhau, chơi với nhau thân ái, chứ không ích kỷ như xã hội bây giờ, ai biết người nấy, ai sống chết kệ ai. “Anh Trung Quốc” ở trọ sống rất giản dị và hết sức đúng đắn. Khi nào người làm trong nhà đi vắng, mẹ chồng tôi thường sai tôi vào dọn buồng cho “Anh Trung Quốc”. Những lần như thế tôi mới có dịp thấy buồng của anh. Buồng nhỏ, kê vẻn vẹn một cái giường, một cái bàn, và một cái tủ. Trong buồng có chậu rửa mặt, nhưng vòi nước thì ở ngoài đầu cầu thang. Lò sưởi không có, mà mùa Đông ở Pa-ri thì rất lạnh. Tôi nhớ rõ một lần tôi gõ cửa buồng anh để vào dọn dẹp. Anh chào tôi và bảo tôi: “Bà Giam-mô, bà cứ để như thế cho. Không sao cả. Xin cảm ơn bà!”. Có lần tôi vào buồng để thay đồ trải giường cho anh thì gặp anh đang ngồi ăn cơm. Tôi thấy anh tay cầm bát cơm, tay cầm đũa. Anh nấu cơm lấy bằng cái bếp cồn để ở góc buồng. Anh chào tôi và nói: Cảm ơn bà Giam-mô. Tốt lắm. Cảm ơn bà. Một lần khác bước vào buồng, tôi thấy anh đang ngồi viết và lại thấy anh bảo: Bà Giam-mô bà cứ để tôi làm lấy, tôi không dám phiền bà. Cảm ơn bà.

Vải trải giường trong buồng anh do nhà trọ ở cung cấp và thay đổi, nhưng quần áo của anh thì anh tự giặt lấy. Anh ăn ở ngăn nắp, trật tự, không làm ầm ĩ bao giờ và mẹ chồng tôi suốt mấy năm trời anh ở trọ không hề than phiền một câu nào về anh. Gia đình tôi đều nhận xét anh là người lịch sự, biết điều, đứng đắn và là một thanh niên nước ngoài rất nghèo. Hàng ngày anh đi làm ở đâu chúng tôi không biết rõ. Bao giờ cũng thế, anh xuống thang, tìm trong hộp thư ở chân cầu thang xem có thư từ, báo chí người ta gửi cho anh không, rồi anh đi cửa ngách bên để ra phố. Đi đâu về anh lại tìm thư từ, báo chí trong hộp rồi mới lên buồng. Gia đình chúng tôi hồi đó ở tầng một, cho nên hàng ngày anh đi về chúng tôi đều thấy.

Có ngày cả hai buổi không thấy anh ra phố, chúng tôi lên buồng anh để hỏi thăm. Tôi cho rằng thời trước người ta sống có tình thương yêu đùm bọc nhau hơn thời nay ở cái đất Pa-ri này. Điều đặc biệt là tôi không thấy anh tiếp khách hay tiếp bạn bè trong buồng bao giờ. Bỗng một hôm “Anh Trung Quốc” từ giã nhà số 9 ngõ Công-poanh của chúng tôi đi đâu chúng tôi không rõ. Chúng tôi thương anh thanh niên ấy, sống thanh bạch đến thế là cùng. Rồi tới năm 1946, tôi nhớ rõ một hôm có nhiều nhà nhiếp ảnh đến chụp ảnh sân và căn nhà tôi ở. Và hôm đó tôi đến làm cơ quan Cứu tế Pháp, các bạn đồng sự của tôi đưa báo cho tôi xem ảnh chụp ngôi nhà số 9, ngõ Công-poanh của tôi và ảnh một vị Chủ tịch nước. Tôi nhìn ảnh và reo lên: Ồ! Đây là người đã ở trọ nhà tôi cách đây hơn hai mươi năm. Tôi nhận ra được rồi. Thì ra anh thanh niên Châu Á hồi ấy ở nhà tôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam ngày nay! Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nước Pháp! Các bạn cùng sở nói đùa với tôi: Này bà Giam-mô còn đợi gì nữa. Ông ấy làm đến Chủ tịch nước, liệu nói với ông ấy một tiếng xin một việc làm lương cao hơn! Riêng tôi thì chưa hết ngạc nhiên và vui mừng thấy người thanh niên sống nghèo khổ ở ngõ Công-poanh trở thành người đứng đầu toàn bộ nước Việt Nam. Từ đó, năm nào cũng có nhiều người, Việt Nam có, Pháp có, nước ngoài đến thăm nhà tôi, thăm nơi ở cũ của Hồ Chủ tịch ở nhà số 9, ngõ Công-poanh. Gia đình Giam-mô không ngờ có vinh dự được giữ lại một kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.

Một ngày tháng 9 năm 1969, nhiều nhà báo Pháp và nước ngoài liên tiếp đổ về nhà tôi và đứng trước sân hỏi dồn dập: Bà Giam-mô đâu? Chúng tôi cần gặp bà Giam-mô. Chúng tôi yêu cầu phỏng vấn cấp tốc bà Giam-mô!. Rồi họ chụp ảnh, cửa ngoài, cửa trong, chụp buồng ở cũ của Hồ Chủ tịch. Lúc đó tôi mới biết tin đau đớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần hôm trước ở Hà Nội. Tôi bàng hoàng, sửng sốt và xúc động như có một người thân trong gia đình vừa mất. Một con người cách mạng đã qua đời, một con người sống giản dị từ lúc thanh niên cho đến khi nhiều tuổi, và đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

(GIAMMÔ(2) kể, trích trong Bác Hồ ở Pa-ri, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.9-13.

Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đức Lâm (tổng hợp)

Còn nữa

Chú thích:

1. Nhà văn Ôxtrâylia.
2. Sinh năm 1907, chồng cụ làm nghề trang trí trần nhà. Bà là con dâu cụ quả phụ Giam-mô, chủ chính có nhà số 9, ngõ Công-poanh, Pa-ri, cho thuê trong những năm 1920 khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến ở trọ nhà cụ.