Những câu chuyện của bạn bè quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kỳ 6
Tấm gương của nhân dân Việt Nam
Nói đến một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều ân hận là Người đã qua đời trước khi hoàn thành sự nghiệp cách mạng và đạt được mục đích giành độc lập hoàn toàn cho một nước Việt Nam thống nhất mà Người đã cống hiến cả đời mình.
Đồng chí Hồ Chí Minh là một người đã cảm hóa tất cả mọi người Việt Nam từ già đến trẻ. Người là một con người thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị. Hình ảnh vị anh hùng không nghĩ tới mình, trước sau như một của Người từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Minh trước đây đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Cộng (Mặt trận Dân tộc giải phóng) ngày nay đã cổ vũ và trở thành tấm gương cho hàng chục vạn thanh niên Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ.
Từ khi bắt đầu ném bom miền Bắc, Mỹ đã dùng mọi cách tàn phá những công trình công nghiệp, y tế, giáo dục, tất cả đều được xây dựng sau khi thắng Pháp, hầu như tất cả những di sản của tổ tiên để lại cũng đều trở thành những đống gạch vụn do bom đạn của Mỹ, nhưng toàn thể nhân dân miền Bắc Việt Nam đều nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” dù có bị tàn phá nặng nề đến thế nào, dù cả Hà Nội và Hải Phòng có bị tàn phá chăng nữa.
Trong thời gian miền Bắc bị ném bom ác liệt nhất, một nông dân Việt Nam đã nói với tôi: “Ném bom quả là đáng sợ thật, nhưng so với ách chiếm đóng của bọn thực dân thì không nghĩa lý gì. Có bị tàn phá thì chúng tôi xây dựng lại”.
Làm việc ở ngoài hiên
Một chuyện điển hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh là sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Người đã đặt Văn phòng Chủ tịch ở một căn nhà nguyên là chỗ ở của những nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền của Pháp trước đây. Còn Phủ Toàn quyền, Người chỉ chuyên dành cho các cuộc tiếp đãi chính thức.
Khi tôi hỏi Người: “Văn phòng của Chủ tịch nước ở đâu?” Câu trả lời của Người làm tôi kinh ngạc: “Lúc nào trời sáng thì ở ngoài hiên, khi trời mưa thì ở trong buồng ngủ”.
Sự thực là Người không có một ngôi nhà nào khác. Khi tôi đến thăm Người mặc bộ quần áo vải nâu mà những nông dân thường mặc và đi đôi dép cao su lốp ô tô, Người ra đón tôi như đón một người quen cũ. Tác phong giản dị, không cầu kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời không thay đổi.
Một con người ít nói
Một đặc điểm nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người trình bày những sự việc hết sức phức tạp bằng những lời lẽ ngắn gọn, dùng những hình ảnh hết sức trong sáng khiến ai cũng có thể hiểu được.
Sau khi Mỹ đưa quân đội chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, có dư luận cho rằng có thể chúng sẽ tiến công ra miền Bắc. Tôi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh là nếu quân Mỹ làm như vậy thì kết quả sẽ ra sao?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để cho tôi liên tưởng tới chuyện con cáo bị mắc bẫy một chân rồi trả lời tôi: “Nếu cứ giãy giụa lung tung định hòng thoát bẫy thì còn chân kia cũng sẽ mất nốt. Nếu Mỹ dám tiến công miền Bắc thì kết quả rồi sẽ như vậy”.
Lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cũng đã được thấy những hình ảnh tả thực, được nghe những câu nói ngắn gọn như những lời tiên tri như vậy. Đó là vào đầu tháng 3 năm 1954. Tuy mới đặt chân lên đất nước Việt Nam, nhưng trên đường tới đây tôi đã được nghe Đài Phát thanh Hà Nội, lúc này cũng vẫn còn ở trong tay người Pháp, đưa tin về tình hình hoạt động của quân Pháp ở phía sau quân Việt Minh từ căn cứ Điện Biên Phủ. Khi đó, tên Điện Biên Phủ mới bắt đầu được nói tới trong cuộc chiến tranh, do đó tôi đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh liền đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ nói: “Đây là Điện Biên Phủ, một thung lũng có núi bao bọc xung quanh”. Sau đó người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp: “Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở xung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được”.
Đó là xu thế tất nhiên và lịch sử đã chứng minh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đúng.
Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, tôi lại hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người nghĩ như thế nào đối với việc Mỹ tuy thừa nhận là họ không thể thắng được trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam nhưng lại huênh hoang bằng cách ném bom miền Bắc, chúng sẽ có thể thắng được. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Mỹ đã tính lầm nếu cho rằng dựa vào việc tàn phá miền Bắc bằng bom đạn, chúng sẽ không thể thắng được ở miền Nam, chúng tôi quyết không ngừng chiến đấu, dù là 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Cuộc chiến đấu của chúng tôi là chính nghĩa, chúng tôi được sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới kể cả nhân dân Mỹ. Chúng tôi sẽ thắng”.
Ấn tượng nổi bật nhất mà bất cứ ai lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều cảm thấy là trí tuệ tập trung ở đôi mắt đen ngời sáng của Người, là lòng nhân đạo và sức hấp dẫn làm cho người tới thăm thấy gần gũi ngay với Người. Ấn tượng thứ hai là khả năng đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề bằng những lời lẽ ngắn gọn và rất trúng. Điều này chứng tỏ Người nắm rất chắc một cách toàn diện nội dung bàn luận.
Người không những biết sử dụng rất nhiều thứ tiếng Âu, Á, đồng thời còn rất hiểu tình hình trong nước của những người khách đến thăm.
Lịch sử sẽ dành cho Người vinh dự của một vị lãnh tụ vĩ đại mà thế kỷ XX đã sinh ra. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi ca ngợi Người.
(U. Bớcsét1, trích bài đăng trên Báo Mainichi Simbun Nhật Bản số ra ngày 10/9/1969)
16. Hồ Chí Minh, người bạn của tôi
Êríc Giôhansơn2, năm nay 70 tuổi, là kỹ sư và họa sĩ sống tại Thụy Điển từ năm 1938, nhưng sinh tại Đrexđen. Bố mẹ ông là người Thụy Điển. Ông được giáo dục tinh thần cách mạng trong giới cấp tiến của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Đrexđen đầu thế kỷ này. Thủa thanh niên sôi động của họa sĩ Êríc Giôhansơn mang đầy những sự tích kỳ diệu, trong đó có cuộc gặp mặt kéo dài hàng tháng của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Êríc Giôhansơn kể lại: Năm 1924, khi tôi phụ trách cuộc triển lãm nghệ thuật quần chúng đầu tiên của Đức được tổ chức ở Mátxcơva và đang quan sát việc sắp xếp các tác phẩm nghệ thuật tại ngôi nhà mà hiện nay là Bách hóa tổng hợp GUM thì có một người bước vào. Thoạt đầu tôi tưởng rằng ông là một người Nhật Bản, sau mới biết ông là người Việt Nam. Ông tự giới thiệu tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Ông tỏ ra là người say sưa nghệ thuật. Cuộc bàn luận sôi nổi giữa chúng tôi kéo dài đến tận đêm khuya tại một tiệm ăn ở Mátxcơva.
Trong suốt thời gian tôi ở Mátxcơva, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau để nói chuyện về nghệ thuật và chính trị. Ái Quốc – Tôi vẫn gọi Người bằng cái tên ấy, là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người rất uyên bác. Ngay lúc đó, người đã biết tới 28 thứ tiếng. Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi, khoảng bốn tháng, người đã học được rất nhiều tiếng Thụy Điển và người đã có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng.
Người nghiên cứu tiếng Nga tại Đại học Phương Đông. Rời Mátxcơva, Người có thể sử dụng tốt vốn hiểu biết về ngôn ngữ của mình và trở thành phiên dịch cho Brôđin người Liên Xô, Cố vấn của Tưởng Giới Thạch lúc đó. Với thái độ thân mật, lịch thiệp của mình, người bạn mới của tôi rất được yêu mến trong giới họa sĩ chúng tôi…
– Vâng, thế về chính trị thì sao? Quan điểm của Người thế nào?
Người vừa lí tưởng vừa thực tế. Cũng như tôi, Người ủng hộ chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP). Chính sách đó làm cho Mátxcơva không bị thiếu những sản phẩm nhu yếu.
Vừa nghiên cứu, Người vừa là đại diện của các dân tộc thuộc địa trong quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, Người không hề là người cộng sản giáo điều. Toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Người hướng vào việc giải phóng Việt Nam…
– Thế Người suy nghĩ về việc giải phóng Việt Nam như thế nào?
Bằng cách tổ chức khởi nghĩa vũ trang trong cả nước, Người không cho rằng việc giải phóng đất nước có thể thực hiện được bằng cải cách dần dần hay thông qua một sự giải phóng dội từ trên xuống. Người cho rằng một cuộc đảo chính đơn giản không thể thực hiện được. Khi ở Mátxcơva, Người nói chuyện rất say sưa về việc tổ chức càng nhiều càng tốt những nhóm vũ trang của những nông dân và công nhân tại Việt Nam. Đó là những tế bào có thể hợp thành hạt nhân của một cuộc khởi nghĩa mà Người tin chắc chắn sẽ nổ ra. Sự mô tả của Người về tội ác của thực dân Pháp đã gây một ấn tượng rất sâu sắc trong chúng tôi. Chúng tôi thì làm hết sức mình để giúp đỡ Người.
– Có bao giờ người mô tả về đất nước Việt Nam sau giải phóng hay không?
Có chứ! Người hay nói về vấn đề này lắm chứ! Mơ ước của Người là một đất nước Việt Nam tự do và độc lập như với các nước Nga, Pháp, Anh, Mỹ. Người kể về đất nước mình, một đất nước hàng trăm năm bị hết nước lớn này đến nước lớn khác đô hộ và lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cuộc chiến đấu lâu dài chống giặc ngoại xâm từ mọi phía.
Bằng cách tiến hành đấu tranh vũ trang, Người muốn chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của nước ngoài và xây dựng một nước Việt Nam độc lập. Như tôi đã nói, Người ủng hộ nhiệt tình chính sách kinh tế mới của Lênin. Người nghĩ rằng đại thể một chính sách như vậy cũng sẽ phải có ở một nước Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh những người nông dân làm ăn tập thể, lại còn có những người làm ăn cá thể nữa. Người không chống lại việc còn những người thợ thủ công và thương nhân cá thể, nhưng cho rằng nhân dân phải có ảnh hưởng trong đời sống kinh tế cá thể.
Đại thể là cương lĩnh của Người gần giống như Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển. Nhưng, Người phê phán rất gay gắt xu hướng xã hội dân chủ lúc bấy giờ. Cũng như chúng tôi, những người đã có kinh nghiệm về Đảng Xã hội dân chủ Đức, Người coi xã hội dân chủ nói chung là phản động và tham nhũng; do đó xã hội dân chủ không thể tách mình khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa quân phiệt. Người công nhận một cách thoải mái những gì chủ nghĩa tư bản làm được, nhưng cho rằng nó đã hết vai trò lịch sử và cần được thay bằng một xã hội mới.
– Có bao giờ Người mơ ước trở thành lãnh tụ của Việt Nam không?
Nếu có thì Người cũng không bao giờ nói ra điều ấy. Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín về cá nhân. Người có thể trở thành lãnh tụ, nhưng không phải bằng một cái gì bề ngoài, mà bằng học thức, bằng sự hiểu biết và bằng trí tuệ của Người.
– Thế các ông vẫn giữ liên hệ với nhau đấy chứ?
Rất tiếc là không. Người rời Mátxcơva vào dịp Nôen năm 1924 và từ đó, tôi không còn nhận được tin tức về Người. Nhân dịp Người 75 tuổi, tôi thấy bức chân dung Người trên một tờ báo. Tôi cảm thấy khuôn mặt trông quen lắm. Thế là tôi lấy bức chân dung của Nguyễn Ái Quốc rồi đến bộ biên tập tờ báo nọ và đề nghị họ cho xem bản gốc tấm ảnh của Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi nhận ra vành tai với hình dạng đặc biệt trên bức ảnh nọ chính là người tôi đã vẽ chân dung năm 1924. Sung sướng quá, tôi viết một bức thư chúc thọ nhân kỷ niệm Ngày sinh của Người.
(Êríc Giôhansơn2, bài đăng trên báo Buổi chiều của Thụy Điển, số ra ngày 26/12/1967)
17. Nhớ Bác Hồ ở Trường Quốc tế Lênin
Chiều 14 tháng 5, đầu mùa Hè ở Mátxcơva mát mẻ. Những bức tường nhà trên phố Goócki nổi tiếng ở trung tâm thành phố vẫn sáng lên trong ánh nắng cuối ngày. Tôi đến gặp một nữ đồng chí đã làm việc với Bác Hồ ở Trường Quốc tế Lênin. Khách sạn “Luých” nay mang tên “Xentơrannaia” vẫn giữ nguyên dáng dấp như thời Bác đã từng nghỉ ở đây trong lần đầu tiên đến Liên Xô. Qua khỏi khách sạn chừng vài trăm mét, tôi rẽ vào một ngõ mang cái tên mộc mạc: “Ngõ ba cái ao”, có lẽ đã có từ thời Mátxcơva mới ra đời. Bà Liđia Xamôilốpna Pháctơ (Lidya Samoilovna Faktor) – người mà tôi đến gặp – ở trong một căn nhà yên tĩnh, sâu trong ngõ. Ngôi nhà gạch màu đỏ ít nhất cũng cùng thời với khách sạn Luých. Bà tiếp tôi trong một căn phòng nhỏ, giản dị trên tầng ba. Căn phòng kê một giường ngủ, một bàn đọc sách, một tủ sách và vài thứ đơn sơ khác. Ở tuổi 75, bà vẫn linh hoạt trong cách nói, vẫn tinh tế khi nhận xét những điều gì thuộc về tình cảm, mặc dù trông bà không khỏe lắm so với tám năm trước, khi tôi gặp lần đầu. Đó là một phụ nữ đôn hậu, vẫn giữ lại những nét riêng của thời con gái – người bạn gái thời thanh niên của nhạc sĩ Đimitơri Sôxtacôvích.
Bà ôn lại kỷ niệm những năm công tác ở Quốc tế Cộng sản, đó là những năm không bao giờ phai mờ trong ký ức của bà, có thể nói là những năm quý giá nhất trong cuộc đời bà. Bà thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, từng làm phiên dịch ở cơ quan Quốc tế Cộng sản. Bà kể:
“Hồi đó, tôi cũng có chút thiệt thòi. Từ khi vào làm ở cơ quan Quốc tế Cộng sản, gần như tôi không còn có điều kiện quan hệ với bạn bè cũ nữa, họ cũng không biết tôi làm việc ở đâu. Nhưng được tiếp xúc với những người trong Quốc tế Cộng sản, những con người sâu sắc, am hiểu nhiều, lăn lộn trong hoạt động cách mạng, trong trường đời, thật sự là một niềm vui, một nguồn động viên rất lớn đối với tôi. Về nguyên tắc, chúng tôi chỉ làm phần việc mình được giao, không bao giờ đi quá phạm vi đó. Vào khoảng tháng 4 năm 1935, một đồng chí tên là Lin mà chúng tôi quen gọi là Lilo xuất hiện trong nhóm nói tiếng Pháp ở Trường Quốc tế Lênin. Nhóm có vài chục người, phần lớn là các đồng chí người Pháp, một số đồng chí người Bỉ. Duy nhất có đồng chí Lin là người Châu Á mà tôi hiểu là từ Đông Dương tới. Không như các đồng chí khác trong nhóm, đồng chí Lin tương đối thạo tiếng Nga. Đồng chí thường mặc áo ngoài cài khuy cổ màu sẫm. Đồng chí luôn luôn nói nhẹ nhàng, điềm đạm không bao giờ lên cao giọng, nhưng rất có duyên với những câu đùa hóm hỉnh”.
Bà Liđia Xamôilốpna hồi đó chỉ biết những học viên của Trường Quốc tế Lênin là các cán bộ lãnh đạo của các Đảng Cộng sản trên thế giới đến nghiên cứu về những vấn đề lý luận và phương pháp vận động cách mạng. Sau này, khi nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là đồng chí Lin, bà mới biết rằng, hồi đó đồng chí Lin vừa hoàn thành một sứ mệnh cách mạng cực kỳ lớn lao là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng vừa trải qua hai năm đầy sóng gió ở Hồng Kông, thoát được nanh vuốt của bọn mật thám Anh, Pháp, trở lại Liên Xô sau bảy năm hoạt động ở vùng Đông Nam Á, Trung Quốc. Bà Liđia nói: “Đồng chí Lin là người đứng tuổi hơn cả trong nhóm nói tiếng Pháp, bao giờ cũng điềm tĩnh và đặc biệt là rất yêu trẻ con”.
Bà kể tiếp: Chuyện gia đình của đồng chí Lin tôi không rõ và đồng chí cũng không bao giờ kể. Song qua cái nhìn và cách xử sự của đồng chí, tôi hiểu đồng chí Lin yêu quý trẻ con như thế nào. Vào dịp tôi sắp sinh cháu, đồng chí Lin ái ngại cho tôi vẫn cứ phải lên dịch trong những buổi thuyết trình. Đồng chí đã dịch giúp cho tôi trong một số buổi. Tất nhiên, đồng chí không phải là người phiên dịch chuyên nghiệp, nên có lần tôi góp một vài ý đồng chí vui vẻ nói: “Bạn thân mến. Tôi sẽ cố gắng để bạn yên tâm”. Tôi sinh cháu trai vào 13/8/1936. Chồng tôi là một học viên trong nhóm nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi sống với nhau được rất ít, vì chồng tôi trở về nước hoạt động. Biết tin tôi sinh cháu, đồng chí Lin và nhiều học viên của trường đã mang hoa đến mừng tôi. Sự quan tâm của đồng chí đến mọi người là điều tôi không thể nào quên. Mãi 21 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại đồng chí Lin. Lúc này đồng chí đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và dịp Hội nghị Quốc tế Cộng sản và công nhân họp năm 1957 ở Mátxcơva, tôi làm phiên dịch ở buồng máy. Chắc là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra giọng tôi qua ống nghe, nên cuối buổi họp đầu tiên, Người đã lên tận buồng máy cảm ơn và ôm hôn tôi. Tôi còn gặp Người ở hai hội nghị sau đó nữa, lần nào Người cũng gặp tôi và khen việc dịch thuật của tôi.
Bà Liđia ngừng lại, đăm chiêu suy nghĩ. Kỷ niệm về những năm hoạt động sôi nổi trong cơ quan Quốc tế Cộng sản 50 năm làm khuôn mặt của bà tươi trẻ trở lại. Trong cách sống giản dị của bà hiện nay, trong suy nghĩ của bà về cuộc đời mang dấu ấn rõ rệt của những người cộng sản quốc tế bà đã gặp, của đồng chí Lin mà bà rất yêu quý.
Tôi tạm biệt bà trong đêm Mátxcơva rất yên tĩnh và đi trở lại theo con đường mà nửa thế kỷ trước Bác Hồ đã nhiều lần đặt chân lên. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng như huyền thoại của Người, đã có bao nhiêu người được gặp Người, và có lẽ đối với ai, Người cũng để lại những dấu ấn sâu sắc.
(Liđia Xamôilốpna Pháctơ4, bài viết trong sách Chủ tịch Hồ Chí Minh
với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Nxb, tr 503-505.)
Theo Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Khánh Linh (tổng hợp)
Còn nữa
Ghi chú:
- Nhà báo Ôxtrâylia.
- Êríc Giôhansơn gặp Nguyễn Ái Quốc tại Mátxcơva năm 1924. Hai người sau đó trở thành bạn thân. Họ bàn luận về nghệ thuật và chính trị. Hồ Chí Minh làm người ta khâm phục vì sự hiểu biết rộng và thái độ thân mật, niềm nở của Người. Họa sỹ Êríc Giôhansơn đã vẽ bức chân dung đặc biệt của Hồ Chí Minh, đề năm 1924. Đây là bài phỏng vấn của Guxtáp Xgiécxbéc với họa sỹ Êríc Giôhansơn.
- Họa sỹ Thụy Điển.
- Nhà cách mạng Nga.
Tin khác
Tin nóng
- Hướng dẫn xây dựng Chi đoàn mạnh
- Quy chế thi đua khen thưởng nhiệm kỳ 2022 - 2027
- Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII
- Thông báo phân công nhiệm vụ các đồng chí Ủy viên BCH, BTV Huyện đoàn Triệu Sơn khóa XVI, nhiệm kỳ 2022 – 2027
- Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2023
- Văn kiện Đại hội lần thứ XVI
- HD Đoàn viên, thanh thiếu niên khối trường học về sinh hoạt tại địa bàn dân cư giai đoạn 2022 - 2027
- V/v Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2022)
- HD bình xét thi đua công tác Đoàn - Đội - Hội Chữ thập đỏ khối trường học năm học 2021 - 2022
- KH Tháng Thanh niên năm 2022
- V/v tổ chức các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi vui đón Tết Nguyên đán - Nhâm Dần năm 2022
- V/v thông báo lịch duyệt kế hoạch Đại hội Đoàn cấp cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2027
- V/v đăng ký công trình thanh niên chào mừng Đại hội Đoàn cấp cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Triệu Sơn lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027
- HD tuyên truyền Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022 – 2027
- V/v đăng ký tổ chức Chương trình định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh khối 12
- HD triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” năm học 2021 - 2022
- V/v triển khai cuộc thi trực tuyến Bác Hồ với Thanh hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác
- V/v tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII của ĐTNCS Hồ Chí Minh
- V/v triển khai cuộc thi trực tuyến thanh niên với văn hóa giao thông năm 2021
- V/v củng cố Đội hình tình nguyện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện